Palang điện là thiết bị được sử dụng phổ biến hiện nay trong công việc nâng hạ vật liệu, hàng hóa. Loại thiết bị này thường được treo cố định trên cao để nâng vật, hoặc có thể di chuyển trên một ray hoặc trên cánh dưới của dầm thép I đặt trên cao.
Trong quá trình vận hành thiết bị, người quản lý vận hành palang điện cần thường xuyên kiểm định an toàn theo các quy định.
Quy trình kiểm định an toàn palang điện
Bước 1: Kiểm tra từ ngoài vào trong
Bước 2: Thực hiện việc thử tải và vận hành thử
Bước 3: Kiểm tra động cơ máy đối với Pa lăng điện
Tiến hành kiểm định an toàn palang điện
Công việc kiểm tra bảo dưỡng định kỳ được những người trực tiếp quản lý vận hành pa lăng điện tiến hành theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc kiểm định an toàn sẽ được cơ quan kiểm định tiến hành theo quy trình 3 bước như trên.
Kiểm tra từ ngoài vào trong
Công việc đầu tiên là kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị, hệ thống điện, bảng hướng dẫn nội quy sử dụng, hàng rào bảo vệ, mặt bằng, khoảng cách và các biện pháp an toàn, các chướng ngại vật cần lưu ý trong suốt quá trình tiến hành kiểm định; sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết và thông số kỹ thuật của thiết bị so với hồ sơ, lý lịch.
Xem xét bên trong một cách lần lượt và toàn bộ các cơ cấu, bộ phận của thiết bị nâng, đặc biệt chú trọng đến tình trạng các bộ phận thiết bị. Kiểm tra cáp treo xem có bị hao mòn, hỏng hóc gì không.
Thử tải và vận hành thử
Thử không tải: Sau khi kiểm tra bên ngoài thiết bị đạt yêu cầu, thiết bị sẽ được tiến hành thử không tải các cơ cấu và thiết bị (mục 4.3.2 TCVN 4244 – 2005), bao gồm: tất cả các cơ cấu và trang bị điện, các thiết bị an toàn, phanh, hãm và các thiết bị điều khiển, chiếu sáng, tín hiệu, âm hiệu.
Thử tải: Tiến hành thử tải sau khi thử không tải đạt yêu cầu. Thử tải tĩnh thiết bị nâng phải tiến hành chất tải với tải trọng bằng 125% (mục 4.3.2 – TCVN 4244 – 2005) trọng tải thiết kế hoặc trọng tải do đơn vị sử dụng yêu cầu (trọng tải do đơn vị sử dụng yêu cầu phải nhỏ hơn tải trọng thiết kế) và phải phù hợp với chất lượng thực tế của thiết bị.
Thử tải tĩnh được coi là đạt yêu cầu nếu trong 10 phút treo tải, tải không trôi, sau khi hạ tải xuống, các cơ cấu và bộ phận của thiết bị không có vết nứt, không có biến dạng dư hoặc các hư hỏng khác.
Kiểm tra động cơ palang điện
Xem xét lần lượt và toàn bộ các cơ cấu, bộ phận của thiết bị nâng, đặc biệt chú trọng đến tình trạng các bộ phận và chi tiết sau:
Kết cấu kim loại của thiết bị nâng, các mối hàn, mối ghép đinh tán (nếu có), mối ghép bulông của kết cấu kim loại, buồng điều khiển, thang, sàn và che chắn;
Móc và các chi tiết của ổ móc (Phụ lục 13A,13B,13C TCVN 4244: 2005);
Cáp và các bộ phận cố định cáp (Đáp ứng yêu cầu của nhà chế tạo hoặc tham khảo Phụ lục 18C, 21 TCVN 4244 : 2005); Puly, trục và các chi tiết cố định trục ròng rọc (Phụ lục 19A, 20A, 20B TCVN 4244 : 2005); Đường ray (Phụ lục 5 TCVN 4244 : 2005).
Các thiết bị an toàn (hạn chế chiều cao nâng, hạ; hạn chế di chuyển xe con, máy trục); Kiểm tra điện trở nối đất không được quá 4,0Ω , điện trở cách điện của động cơ điện không dưới 0,5 MΩ (điện áp thử 500V); Các phanh phải kiểm tra theo quy định tại mục 1.5.3.3 TCVN 4244:2005.
Kết quả đạt yêu cầu khi thiết bị được lắp đặt theo đúng hồ sơ kỹ thuật, không phát hiện các hư hỏng, khuyết tật thiết bị và đáp ứng các yêu cầu.
Hits: 81